"Cuối cùng, giáo dục trong mắt tôi chính là tin vào lũ trẻ và cùng với chúng giúp chúng tin vào bản thân và khả năng của mình" - Shirley Ma'atok
Mình đọc cuốn này hơn 2 năm trước, khi mình bắt đầu đi tìm lời giải đáp cho những vấn đề xảy ra với bọn trẻ nhà mình. Mình thực sự choáng ngợp vì lượng kiến thức đồ sộ, được trình bày với vô số các tình huống cụ thể xảy ra trong quá trình dạy con của tác giả. Có thể nói đây là một cuốn sách dạy con kiểu "cầm tay chỉ việc" mà ai cũng có thể áp dụng trong công cuộc giáo dục con cái.
Từ cuốn này mình mới bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về tâm lý học trẻ em, về văn hóa dạy con của các nước... để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những bài học mà tác giả nêu ra trong cuốn sách.
Vài nét về tác giả cuốn sách. Gs Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 tại Bình Định. Sang Mỹ năm 1980, hiện giảng dạy tại Đại học Utah (Mỹ), từng làm Phó Hiệu trưởng Điều hành Đại học Hoa Sen. Ông nhận bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Minnesota năm 1990, được phong cấp bậc Giáo sư cao nhất ở Mỹ năm 2002, ông cũng sáng lập mạng Tri thức Việt toàn cầu...
Để có thể hiểu rõ hơn về những khó khăn cũng như phương pháp mà ông áp dụng khi dạy con, ta tìm hiểu sơ về gia đình Gs. Ông là người Việt Nam sống trên đất Mỹ, có vợ đầu là người Nhật (đã ly hôn, vợ thứ hai là người Việt Nam) có 2 người con trai với vợ đầu là Taki (mắc chứng tự kỷ), con sau là Takara (cách nhau khoảng hơn 1 tuổi).
Phong cách và phương pháp dạy con của ông ảnh hưởng bởi 3 nền văn hóa Việt, Nhật, Mỹ và đặc biệt là Bắc Âu (Đan Mạch).
Phương pháp Cha voi do ông đặt tên dựa trên cách cha voi dạy voi con kìm hãm tính hung hăng (trang 14), ngoài việc phân biệt giữa phong cách Mẹ Hổ,...thì phong cách Cha Voi phù hợp với triết lý giáo dục ông nghiên cứu và ứng dụng do thực tiễn cuộc sống chịu sự chi phối từ các nền văn hóa ông sinh sống và làm việc.
Phương pháp Cha Voi dựa trên 3 nguyên tắc chính xuyên suốt cả quá trình như sau:
1. Có quy tắc và giới hạn rõ ràng cho tất cả các hoạt động của con trẻ. Giải thích và thuyết phục các con tuân theo các quy tắc ấy.
- Cha Voi không áp dụng các biện pháp kỷ luật, đánh mắng (luật pháp Mỹ cấm đánh đập trẻ con)
- Tôn trọng ý kiến con, giúp con hiểu rõ các nguyên tắc và giới hạn cũng như hậu quả nếu vi phạm nguyên tắc, giới hạn (trang 152) về dạy con ko ăn vạ,...
2. Cha Voi không tập trung vào kết quả cuối cùng (Thất bại/Thành công), không đánh giá con (Thông minh/ ngu xuẩn, vụng về/ khéo léo) mà tập trung vào quy trình hành động và sự phấn đấu của con. Dạy con nấu ăn, nhớ đường khi bị lạc (Trang 165, 174...)
Đây là cách giúp con phát triển nội lực, kỹ năng kháng bại và tự động viên (trang 199, 296...).
(Trang 186, 194, 206, 214... ) khi con đi học trung học, đạp xe hay leo núi...
3. Mỗi đứa con đều có tiềm năng, giới hạn và tính cách riêng. Do đó cha mẹ không thể áp đặt mong ước chung của mình cho tất cả các con, cũng ko thể so sánh đứa con này với đứa con khác, càng không nên so sánh con mình với con nhà người ta.
Từ trang 143 trở về sau, Dựa trên những nguyên tắc chính đó, Gs Trương Nguyện Thành đã chủ động thiết kế các tình huống cụ thể trong cuộc sống để giúp các con tự trải nghiệm, và thông qua đó ông lồng ghép các ý đồ giáo dục với phương châm DẠY MÀ KHÔNG DẠY.
Mục đích ông bồi dưỡng cho con bao gồm 4 trụ cột chính:
A. Kỹ năng
- Tự lập, tự giác, tự quyết
- Bản năng sinh tồn
- Giao tiếp, tương tác
- Tập trung
- Kiên tâm
B. Tư duy
- Cầu tiến
- Kháng bại
- Cân bằng cuộc sống
- Suy nghĩ chín chắn và đa chiều
- Sáng tạo và giải quyết vấn đề
C. Nhân cách
- Trung thực
- Khiêm tốn
- Khoan dung
- Thấu cảm
- Ý thức cộng đồng
D. Kiến thức
- Cơ bản
- Nền tảng
- Tổng quát
- Chuyên sâu
Hệ thống giáo dục công cộng của Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào cột Kiến thức, hầu như không quan tâm đến ba cột còn lại. Một số trường tư quốc tế có quan tâm một tý về Kỹ năng sống.
Do đó, việc giáo dục kỹ năng, nhân cách và tư duy cho trẻ chủ yếu rơi vào trách nhiệm của cha mẹ.
Vì vậy, có thể nói để cha mẹ có thể chủ động trong giao tiếp với con cái, việc hiểu rõ quá trình phát triển tính cách và bản năng của trẻ cũng như nắm được hệ thống các tính cách cốt lõi cần xây dựng là điều rất quan trọng.
Và cuối cùng để giúp con có thể tự kiểm soát được cảm xúc của mình, cha mẹ phải có kỹ năng kiểm soát cảm xúc của chính mình trước hết😚
Chúc các bạn đọc sách vui vẻ.
KUANG HÒA
Quản trị viên group CỘNG ĐỒNG CHA MẸ TÍCH CỰC - Gỡ rối & chia sẻ
Comments
Post a Comment