Mới đây, Hà Nội đã công bố kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, hơn 30.000 thí sinh ko đủ tiêu chuẩn vào các trường công lập. Có khá nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội về thông tin này, như xây dựng thêm trường để tăng thêm cơ hội vào cấp 3 cho các em, một số bài viết động viên các em đăng ký học trường dân lập, số ít bài nói về lựa chọn học nghề...
Có lựa chọn nào tốt và phù hợp hơn với tố chất, hoàn cảnh gia đình của từng em không?
Theo quan điểm cá nhân, tôi lựa chọn phương án giảm số lượng trường cấp 3 công lập, tăng cường các trường học nghề dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Có 3 lý do cho lựa chọn này:
Lý do thứ nhất: Thực tế số lượng học sinh học hết cấp 3 rồi thi vào đại học càng ngày càng giảm, thống kê năm 2021, 2022 cả nước có tới hơn 1/3 số học sinh cấp 3 (hơn 300.000 học sinh) không đăng ký nguyện vọng Đại học. Năm 2022 trong số hơn 941.849 thí sinh tốt nghiệp cấp 3 có 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng đại học, và chỉ có 463.440 (chưa đầy 50% tổng số thí sinh tốt nghiệp) thí sinh xác nhận nhập học. Như vậy, chỉ chưa đầy 1/2 số học sinh tốt nghiệp cấp 3 học tiếp lên Đại học. Năm 2022 tại Nghệ an, trong số hơn 37.000 học sinh lớp 12 thì có tới hơn 14.000 (40 %) số học sinh tốt nghiệp cấp 3 không tiếp tục đăng ký nguyện vọng vào đại học. Nghệ An xếp thứ 3 (sau Hà Nội và Thanh Hóa) trong số các tỉnh có nhiều học sinh không đăng ký xét tuyển đại học.
Vậy số học sinh không đăng ký nguyện vọng này đi đâu?
Phần lớn những học sinh này đi học nghề, đi lao động phổ thông trong các doanh nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động. Như vậy, cả nước có gần 500.000 học sinh đang ngồi "nhầm chỗ", nếu các em vào trường nghề luôn sau khi hết lớp 9, Nhà nước sẽ có một lực lượng lao động trẻ yêu nghề, có tay nghề đc đào tạo bài bản sớm đến 3 năm. Do được đào tạo nghề bài bản, giá trị mà họ đem lại cho doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ cao hơn, chất lượng hơn. Lực lượng lao động trẻ, giỏi nghề này sẽ có mức lương khởi điểm tốt hơn khi ra trường. Đây sẽ là nguồn thu lớn cho quốc gia dù họ đi xuất khẩu lao động hay vào các công ty trong nước.
Lý do thứ hai: Theo nghiên cứu của môn khoa học thần kinh, lứa tuổi 15 là lứa tuổi vàng tốt nhất để con người phát triển các tố chất, sở trường. Giải phẫu học bộ não con người cho thấy bộ não phát triển theo quy tắc từ sau ra trước. Trong khi các vùng não sau và 2 bên thái dương đã phát triển sớm thì ở lứa tuổi này não trước (Thùy trước) mới bắt đầu có những kết nối với các vùng não khác và phát triển một cách bùng nổ. Não trước có chức năng điều hành phân tích, phán đoán, kiểm soát cơn bốc đồng. Những năm tháng trong độ tuổi này là thập kỷ tuyệt vời của cuộc đời con người. Không còn độ tuổi nào khác có khả năng đáp ứng nhanh chóng với tất cả các nỗ lực làm người mạnh mẽ nhất và khôn ngoan nhất đến như vậy. Cũng giống như vậy, chỉ ở giai đoạn huyền bí này mới có mảnh đất tinh thần đủ màu mỡ để có thể khiến cho mọi hạt giống, cả loại xấu cũng như tốt, có thể bám rễ, phát triển sum suê hay đơm hoa kết trái một cách nhanh chóng, một cách chắc chắn đến thế.
Chính vì vậy, đây là giai đoạn quan trọng nhất bắt buộc học sinh phải tự học và chuyên sâu sở trường của mình. Và điều logic là để phát huy kỹ năng tự học thì chúng phải đc lựa chọn học những gì mình đam mê, những ngành học nơi bản thân chúng cảm thấy thuộc về. Chỉ khi học sinh biết và đc lựa chọn theo đam mê chúng mới phát huy cao nhất năng lực của chúng.
Hơn nữa khi các học sinh được học nghề trước khi đi làm, ngoài việc học kỹ năng nghề các em còn được học về đạo đức nghề nghiệp, về quản trị tài chính cá nhân. Đây là tiền đề cho các em trong việc sử dụng đồng tiền kiếm được một cách thông minh, tránh lãng phí công sức, mồ hôi và nước mắt. Những đồng tiền này không những giúp ích cho sự phát triển gia đình các em mà còn thúc đẩy sự phát triển chung cho toàn xã hội.
Lý do thứ ba: Vậy còn vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh cấp 3 thì sao?
Theo các nhà nghiên cứu về sự phát triển tâm sinh lý trẻ em, giai đoạn hình thành nhân cách trẻ là từ 0 - 7 tuổi. Ở lứa tuổi này trẻ sẽ cần nhiều tiếp xúc, trải nghiệm thực tế từ thiên nhiên, học cách giao tiếp với anh chị em, cha mẹ, ông bà và xã hội thay vì nhồi nhét đủ loại kiến thức học thuật. Từ lớp 1 đến lớp 9 là quá trình tìm và phát hiện những sở trường của trẻ. (2 giai đoạn này hầu hết bộ não chưa đủ khả năng tiếp nhận và xử lý các hoạt động mang tính học thuật cao cấp). Đẩy trẻ theo hướng học thuật hay các cuộc đua tranh giải thưởng khi nhân cách và sở trường chưa hình thành sẽ chỉ khiến trẻ hiểu nhầm về các sở thích cá nhân hay có góc nhìn lệch lạc về các giá trị trong cuộc sống. Đạo đức của đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng khi trưởng thành.
Vì vậy, Trẻ 15 tuổi về cơ bản đã ổn định về mặt nhân cách. Việc bị ép phải làm những điều chúng không mong muốn chỉ khiến trẻ trở nên nổi loạn, gây phiền toái, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của toàn xã hội.
Để thay đổi căn bản bức tranh nguồn lực lao động đáp ứng tốc độ phát triển đất nước. Nhà nước đã có những quy định và thành lập các trường nghề trên cả nước. Tại Nghệ An, qua tìm hiểu cả tỉnh có 55 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Một số trường Nghề đã có tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng dành cho những học sinh hết lớp 9. Điển hình như Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đào tạo nghề (Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, điện lạnh,…), và đào tạo giáo dục định hướng cho xuất khẩu lao động (Hàn Quốc). Với quy mô đào tạo hệ chính quy khoảng 2.300 – 2.700 học sinh (tỷ lệ học sinh ra trường làm đúng nghề hơn 85%). Học phí trung bình 1.900.000đ (trong đó học sinh chỉ phải đóng 50%, còn lại nhà nước hỗ trợ 50%).
Một số trường đào tạo nghề khác như Trường Trung cấp kinh tế Kỹ thuật Vinh cũng bắt đầu tuyển hệ học sinh tốt nghiệp THCS từ năm 2019 với các ngành nghề như: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… và định hướng xuất khẩu lao động (Đức)... Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn trong nước do nhu cầu lao động tay nghề cao cũng bắt đầu tham gia vào quá trình tự đào tạo (Tập đoàn FPT với mô hình trường Phổ thông cao đẳng FPT)…
Về định hướng xuất khẩu lao động năm 2023, Theo CNBC (kênh truyền hình tài chính lớn nhất Hoa Kỳ) các nước châu Âu đang có những bước cải tổ về chính sách nhập cư. Đức chuẩn bị thông qua Luật quốc tịch mới giúp người nước ngoài nhập quốc tịch nước này dễ dàng hơn. Đây là một phần của kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư nhằm thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Như vậy vì tương lai con em chúng ta, chính các bậc phụ huynh cần tìm hiểu và đồng hành cùng con trẻ, trao cho trẻ quyền đc lựa chọn để chúng phát triển tốt nhất sở trường của chúng. Để Hạnh phúc dẫn lối thành công
QUANG HÒA
Quản trị viên CỘNG ĐỒNG CHA MẸ TÍCH CỰC Gỡ rối & chia sẻ.
Comments
Post a Comment